Quy trình sản xuất gốm theo phương pháp thủ công
Để hoàn thiện một sản phẩm theo quy trình sản xuất gốm thủ công thì lắm công phu và đòi hỏi người thợ phải có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao. Tuy mỗi làng nghề sẽ có một bí quyết riêng để ghi lại dấu ấn đặc trưng nhưng nhìn chung sẽ gồm những công đoạn chính như sau:
Chọn, xử lý và pha chế nguyên liệu
Vì đất sét lấy để sử dụng chế tác các sản phẩm gốm sứ thường lẫn tạp chất, nên sẽ được xử lý trước khi sử dụng. Đất sẽ phải trải qua các giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Đất sét thô sẽ được cho vào bể đánh và ngâm trong 3 đến 4 tháng, đánh tơi đều để tạo ra hỗn hợp dưới dạng lỏng.
Giai đoạn 2: Hỗn hợp sẽ được xả xuống bể 2 là bể lắng. Lúc này tạp chất, cặn bã nổi lên trên và sẽ được vớt, lọc bỏ.
Giai đoạn 3: Múc hỗn hợp từ bể 2 sang bể thứ 3 để phơi tầm 3 ngày.
Giai đoạn 4: Chuyển hỗn hợp từ bể 3 sang bể cuối, tạp chất còn lại sẽ được khử bằng phương pháp lên men.
Sau khi đất đã được xử lý thì sẽ được tạo dáng sản phẩm trên bàn xoay. Đất được vò thật nhuyễn, kéo đất, vuốt tay, be chạch… và nhiều kỹ thuật khác để tạo hình cho gốm.
Phơi sấy và chỉnh sửa
Những sản phẩm sẽ được phơi khô dưới ánh nắng tự nhiên, hoặc có thể dùng lò sấy và nhiệt độ được tăng từ từ để không làm bề mặt gốm bị nứt hỏng. Khi gốm đã đủ độ rắn thì người thợ sẽ mang vào để chỉnh sửa, cắt gọt các bộ phận, tạo họa tiết, làm mịn bề mặt sản phẩm gốm…
Trang trí hoa văn cho sản phẩm
Sản phẩm gốm đã có bề mặt khô thì sẽ được vẽ bằng bút lông theo mẫu định sẵn hoặc theo sự sáng tạo của người nghệ nhân. Ngoài việc trang trí theo cách này thì còn nhiều lối trang trí khác như đánh chỉ, bôi men chảy, tạo men rạn… để tăng tính nghệ thuật cho sản phẩm gốm mang đặc trưng của mỗi làng nghề.
Tráng men gốm
Khi đã được vẽ trang trí xong thì sản phẩm sẽ được nung sơ qua ở nhiệt độ thấp. Về phương pháp tráng men gốm thì có thể áp dụng theo nhiều phương thức như:
- Phun men, dội men: Men được phun dội trực tiếp lên bề mặt sản phẩm. Thường áp dụng cách này đối với sản phẩm gốm có kích thước lớn, nhiều chi tiết phức tạp.
- Nhúng men, quét men: Đây là cách thường áp dụng cho những sản phẩm gốm sứ có kích thước nhỏ.
- Kìm đúc: Phương pháp áp dụng tráng men bên trong sản phẩm trước bằng cách rót men vào bên trong sản phẩm rồi lắc sao cho men được tráng đều. Bên ngoài tráng sau bằng cách cầm sản phẩm nhúng vào thùng đựng men.
- Quay men: Cầm sản phẩm cần tráng men và một tay đỡ, một tay quay vào thùng men như vậy bên trong và bên ngoài sản phẩm sẽ được tráng men vào cùng 1 lúc.
- Đúc men: Chỉ tráng men phía bên trong của sản phẩm.
Chồng lò và đốt lò nung gốm
Chồng lò có nghĩa là sản phẩm sau khi được hoàn chỉnh sẽ đem xếp vào lò để nung với nhiệt độ phù hợp. Tiếp theo đó là đốt lò, kiểm tra nhiệt độ, độ chín của sản phẩm và cuối cùng là làm nguội lò.
Quá trình làm nguội lò thường kéo dài qua hai ngày, cửa lò sẽ được mở ra và để thêm 1 ngày nữa trước khi lấy sản phẩm gốm ra. Những loại lò thường dùng là lò hộp, lò đàn, lò ếch, lò bầu… được sử dụng than cám, củi khô để nung. Nhiệt độ sẽ được thay đổi dựa trên sản phẩm cũng như loại gốm sành trung bình từ 600 đến 1350 độ C.
Kiểm tra sản phẩm
Bước cuối cùng này quyết định sản phẩm có được xuất xưởng hay không. Mỗi sản phẩm gốm sẽ được kiểm tra và phân loại, xem xét độ dày cốt men, độ bóng và sự hoàn thiện.
Sau khi kiểm tra thì sẽ được đóng gói, vận chuyển đến thị trường hoặc đến những nơi đã đặt hàng trước. Thời gian để sản xuất sản phẩm theo phương pháp truyền thống này sẽ mất từ 10 đến 15 ngày, tùy vào dòng sản phẩm, độ khó, yêu cầu riêng…
Quy trình sản xuất gốm theo phương pháp hiện đại
Tuy phương pháp truyền thống có nhiều ưu điểm nhưng cũng có một số nhược điểm là không thể in ấn logo theo yêu cầu bằng phương pháp cũ, khó để kiểm tra chất lượng đất, không thể cung ứng nhanh chóng số lượng lớn cho thị trường. Vì thế mà nhiều làng gốm, cơ sở sản xuất gốm đã dần chuyển mình, cải tiến với hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại hơn, cho công suất đến hàng triệu sản phẩm mỗi năm. Quy trình sản xuất gốm theo phương pháp mới thường sẽ có các bước tuần tự dưới đây:
Bước 1: Chọn lựa nguyên liệu đất
Đất sét chính là thành phần cốt lõi, nguyên liệu này được tuyển chọn kỹ lưỡng. Dùng nguồn nguyên liệu đã được nghiên cứu, kiểm định chất lượng để sử dụng. Và các phụ liệu khác để làm gốm đều được kiểm định chất lượng trước khi dùng sản xuất.
Bước 2: Lên mẫu thiết kế
Những mẫu sản phẩm sẽ được bộ phận thiết kế theo dòng sản phẩm hoặc thiết kế theo yêu cầu riêng. Tiếp theo đó là sẽ là mẫu gốm được trình bày dưới mô hình 3D trên máy tính. Bộ phận sản xuất sẽ dựa trên mẫu để định đoạt mức nguyên liệu, dự đoán được chi phí sản xuất cũng như giá thành cho sản phẩm được chính xác nhất.
Bước 3: Tạo khuôn cho sản phẩm
Sử dụng máy phay CNC để tạo khuôn bằng chất liệu thạch cao cho mẫu gốm. Như vậy khuôn sản phẩm sẽ có tính chính xác tuyệt đối, hoàn hảo trong từng đường nét cũng như kích thước hơn rất nhiều so với việc dùng tay tạo khuôn.
Bước 4: Tạo hình dùng phương pháp dập bột
Gốm sẽ được tạo hình bằng phương pháp dập bột nhờ thiết bị máy móc hiện đại. Như vậy mỗi sản phẩm sẽ rất đều nhau, đồng nhất, thời gian hoàn thiện cũng cực kỳ nhanh chóng.
Bước 5: Nhúng men bằng máy tự động
Các sản phẩm sẽ được nhúng men tự động bằng máy, không cần phải tốn thêm nhân công cho khâu này. Lớp men sẽ được phủ đều trên khắp mặt trong, mặt ngoài với độ dày thích hợp.
Bước 6: In ấn logo
Logo của nhà sản xuất hoặc logo của khách đặt hàng sẽ được in trên thân hay đáy sản phẩm. Như vậy có thể mang thương hiệu đến gần với các khách hàng hay người dùng hơn.
Bước 7: Nung gốm nhiệt độ cao
Sản phẩm gốm sứ sẽ được nung trong lò hiện đại, được canh chỉnh thời gian và nhiệt độ vô cùng nghiêm ngặt.
Bước 8: Kiểm tra và đóng gói sản phẩm gốm
Sản phẩm sẽ được kiểm tra những yếu tố sau đây trước khi mang đi đóng gói:
- Về độ bền cơ học
- Kiểm tra độ sốc nhiệt
- Xem xét chất lượng men
Tạm kết
Hiện nay, các dòng gốm sứ cổ hay dòng gốm sứ hiện đại đều giữ cho mình đối tượng khách hàng riêng. Các phương pháp hiện tại vẫn kế thừa quy trình sản xuất gốm cổ truyền và ứng dụng thêm tiến bộ của khoa học như hệ thống bể lọc đất, máy nghiền đất, bàn xoay có mô tơ điện, công nghệ phun sơn, lò đốt bằng ga… Như vậy có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường, nhanh chóng cung cấp được cho thị trường với số lượng lớn.